top of page
  • Black Facebook Icon
  • Black Instagram Icon

Còn tuổi nào cho em

  • Writer: Giấy
    Giấy
  • Jul 17, 2018
  • 6 min read


Viết năm 19


Em tỉnh dậy sau cơn ngủ vụn vặt mê man trên chiếc xe du lịch. Không gian trong con mắt mơ màng khi ấy là một màu xám lưng chừng. Bên ngoài trời đang mưa, bôi những vệt nhòe nhoẹt lên cửa kính chiếc xe đang lướt qua những quán xá liêu xiêu của một vùng chiều ven biển. Tiếng mưa ngoài kia hình dạng thế nào nhỉ, ào ạt giận dữ hay chỉ rì rào như một bài ca của biển? Em không biết. Những âm sắc hỗn độn cung bậc ấy đã dừng chân ngoài tấm kính cách âm, gõ liên hồi vào một cánh cửa sẽ không bao giờ mở. Trong chiếc xe bị hút cạn âm thanh, mọi người vẫn thả mình trong giấc ngủ vô tư lự sau một hành trình đã quá dài. Và rồi khi ấy, chiếc loa trên xe bắt đầu rót giọng ca trầm buồn màu xám tro của Khánh Ly vào chiếc hộp con con đang đầy những giấc mơ màng.


“Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời”


Em đã luôn nghĩ mỗi bài nhạc Trịnh giống như một câu chuyện cổ Andersen, một thứ cổ tích không dành cho trẻ con, với cái nghĩa cứ lẩn chìm đâu đâu còn cái buồn thì hiển hiện dù vô cớ. Tức là không hiểu nhưng vẫn buồn. Em không có tham vọng một ngày kia sẽ hiểu được hết những ca từ của người nhạc sĩ tư lự này, vì ngay cả ông có lẽ cũng không thể giải nghĩa một cách tường tận. Cảm xúc vốn đâu phải là thứ để cắt nghĩa. Em sẽ chỉ nghe, chỉ buồn như nỗi buồn ngày bé đọc “Bên gốc liễu” mà thôi.


Không biết nhạc sĩ ưu ái dành những câu hát đẹp ấy cho “tuổi nào”, nhưng em đã trộm thấy mình trong đó, thấy cái tuổi đang mang những nỗi buồn mới mẻ, những vụn vỡ mới mẻ như tiếng gãy giòn tan của lá khô lìa cành.


“Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may”


Chập chững 19, em lạc trong khủng hoảng những cơn mơ. Là lúc em tận mắt nhìn những giấc mơ đầu đời tan vỡ. Có khi là giấc mơ đã dốc lòng theo đuổi cả một thời ngây ngô, với niềm tin thật thà rằng cứ hết lòng thì sẽ thỏa lòng. Em không dám ngoảnh đầu nhìn lại, không dám nuối tiếc, không dám tơ tưởng đến thứ không thuộc về mình, một mộng ước ngoài tầm với. Cũng có khi là một giấc mơ đang cháy hừng hực như ngọn nến hăm hở bùng lên chuẩn bị đốt sáng một vùng hiện thực, nhưng đau lòng thay, em lại phải dập tắt nó bằng chính đôi tay mình. Rồi em bỏ chạy theo những cơn mơ khác, cố quên đi đôi bàn tay bỏng rát có lẽ sẽ chẳng bao giờ lành. Đôi khi em không biết mình đang tìm kiếm thứ gì, em cứ chạy thế thôi, ngơ ngác, miệt mài, và không dám quay đầu nhìn lại. Em mắc nợ những giấc mơ xưa cũ.


“Xin cho cô đơn vào tuổi này”


Người ta thường đưa ra những ánh nhìn nghi ngại và kì quặc: Tại sao những người trẻ cứ thích chọn cô đơn? Người ta đâu cần phải cô đơn đến thế. Em chỉ cười trừ. Nào phải em muốn chọn nó đâu. Cô đơn dường như một gã gác cổng biếng lười nằm canh giữ ngưỡng cửa trưởng thành, mà ai trong cái tuổi chênh vênh này cũng sẽ phải bước qua gã. Rồi gã sẽ dạy cho ta một bài học rằng, sẽ có những lúc ta mong tha thiết một người đồng hành, để dắt díu nhau khi ngã, hay đơn giản chỉ để có ai đó ở bên mà thôi, nhưng sự thật là, dẫu khái niệm người-quen-trên-đường có tồn tại, ta vẫn đơn thương trên hầu hết nẻo đường đời. Suốt thời niên thiếu em chưa từng nghĩ rằng mình cô đơn. Em suy nghĩ giản đơn rằng mọi người yêu quý em tức là em không bị vướng lời nguyền đáng sợ ấy. Cho đến khi tất cả bỏ đi. Cho đến khi những người bạn đồng hành cứ ngỡ rằng sẽ cùng nhau đi hết con đường vội buông lời tạm biệt ở một ngã ba đường. Chỉ còn em bước tiếp hàng dặm, cúi gằm hỏi mặt đất: Tại sao? Em tệ lắm sao? Không ai cần em sao? Em đã nhốt mình trong căn phòng tra khảo tự vấn ấy ngày này qua ngày khác. Để rồi vào một ngày nắng lách mình qua khung cửa, câu trả lời đến nhẹ bẫng như chưa từng đánh đố: Mọi người đến và đi, là để em trưởng thành. Chẳng ai theo em đến hết cuộc đời được, ngoài chính em. Thế nên, cô đơn, để em lắng nghe và tìm thấy chính mình, một bản ngã khác vốn bị những ồn ào xô bồ làm cho quên lãng.


Em ngồi xuống bắt chuyện với gã gác cổng mang tên Cô Đơn kia. Em mới vỡ lẽ, thì ra chính gã mới là kẻ cô đơn nhất. Ai cũng muốn xa lánh gã. Gã đã nằm ở đây bao nhiêu năm rồi không nhớ, đã ngáng chân làm ngã bao nhiêu người. Những người mạnh mẽ, họ sẽ đứng dậy, phớt lờ sự tồn tại của gã và tiếp tục cuộc hành trình. Còn những kẻ yếu đuối như em, sẽ hoảng sợ mà trốn chạy gã. Ai rồi cũng sẽ bỏ gã mà đi. Lúc gã nói vậy, mắt gã trông thật buồn.


Phải có một lí do gì đó để gã ở đây, em nói. Em chẳng thể ở lại quá lâu được, nhưng không phải em trốn chạy. Em chào tạm biệt, và hẹn gặp lại gã vào một “tuổi nào” đó, một ngày nào đó em lỡ để lạc mất chính mình. Em đã biết gã không phải là một bóng ma đáng sợ.


“Tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài”





Nghe câu hát, em mường tượng ra một bóng áo dài yêu kiều của Sài Gòn vài thập niên trước, tóc dài ánh lên trong nắng chiều nhá nhem. Vậy mà lạc lõng giữa những ngả đường thị thành chưa bao giờ hết tấp nập. Em chưa bao giờ mặc áo dài. Với chiếc Honda cà tàng đời cũ, em cũng thường chọn buổi chiều để lần mò các ngóc ngách của thành phố thân thuộc này. Em mù đường, bao giờ em cũng bị lạc, giữa cái thành phố mà mọi con đường góc phố đều gắn tấm biển mang tên kỉ niệm. Thế nên em không cam tâm. Ngả đường nào cũng dẫn về một miền kí ức, mà em thì không ý thức được đó đã là kí ức, nên mê mải chạy theo quên đường về.


Chà, tự nhiên em nhớ thành phố quá!


“Em xin tuổi nào còn tuổi nào cho nhau Trời xanh trong mắt em sâu Mây xuống vây quanh giọt sầu Em xin tuổi nào Còn tuổi trời hư vô Bàn tay che dấu lệ nhòa Ôi buồn!”


Nếu được chọn, em sẽ chọn cho mình “tuổi nào”? Em ước được bé lại nằm nghe chuyện cổ tích, hay muốn mình đủ già dặn để hiểu được những câu chuyện ấy? Hỏi vu vơ thế thôi, chứ nào đã có ai chọn được cho mình thời điểm gặp gỡ cuộc đời. Ai rồi cũng phải khiên cưỡng nếm trải để nhận ra tuổi nào cũng vương giọt sầu. Chỉ khác là, khi còn là trẻ nít em được phép khóc thật to, đến khi nào có người đến bên dỗ dành. Lớn lên rồi, dấu lệ nhòa chỉ được phép khép mình nằm yên sau đôi bàn tay ôm mặt run rẩy. Trẻ con có thể cười một mình. Còn người lớn thì chỉ được khóc một mình. Em chỉ là đứa trẻ bị ép phải trưởng thành, cũng khóc lóc mè nheo như lần đầu mẹ dắt tay đến trường mẫu giáo. Chả phải là bé ngoan gì, đơn giản là vì em buộc phải thế.


“Tuổi nào ngồi khóc tình đã ngàn thu Tuổi nào mơ kết mây trong sương mù”


Đến một thời điểm nào đó, những tan vỡ sẽ trở nên đủ trầm trọng để em nhớ ra vật mà thần Tình Yêu ban cho con người chính là một mũi tên, thứ vũ khí sát thương lạnh lùng nhất. Một mũi tên tẩm độc. Một thứ độc tàn nhẫn đến mức làm tay chân và trí óc em tê liệt, cứ để yên cho mũi tên găm vào tim và nhấm nháp thứ độc dược ngọt ngào ấy cũng là một niềm hạnh phúc. Tai hại. Thật là tai hại.


Những vệt nhòe nhoẹt trên kính xe từ bao giờ đã lấp lóa thứ ánh sáng vàng hắt lại từ đèn đường. Các dãy nhà bên đường của nơi phố xá xa lạ này hẳn đã lên đèn, xì xào tiếng ti vi và lạch cạch bếp núc. Những thanh âm của một cuối ngày ấm cúng, dù ngày hôm ấy đã mưa tầm tã đi chăng nữa. Cuối cùng thì sau bao mệt mỏi, điều người ta cần chỉ có vậy.


Mà sao em vẫn chưa có nơi nào để về?


Chuyến xe vẫn cứ lầm lũi trong cơn mưa xám ngoét. Nếu không phải là Sài Gòn, mưa nơi đâu đối với em cũng thật cô đơn. Nhất là trong một bản nhạc nền ưu hoài.


“Tuổi nào thôi hết từng tháng năm mong chờ…”


23/03/2016

Ảnh: Pascal Campion


Comments


Không bỏ lỡ bài viết mới

bottom of page