Phía nam biên giới, phía tây mặt trời: Shimamoto-san là người hay ảo ảnh?
- Giấy
- Aug 7, 2018
- 4 min read

Người bạn thời thơ ấu
Trước khi phân tích câu chuyện của Murakami, mình lại muốn kể một câu chuyện riêng nhỏ bé khác, mà có lẽ nó đã ảnh hưởng rất nhiều đến mình trong quá trình đón nhận tác phẩm này. Mình là con một, lẽ đương nhiên, mình cô đơn trong hầu hết những năm tháng tuổi nhỏ. Mình có thói quen tưởng tượng ra những người bạn mà mình cho là lí tưởng, và sống vui vẻ bên nhau cho đến cái tuổi thôi mộng mơ. Những người bạn ấy giờ mình không còn gặp lại nữa, nhưng thi thoảng vẫn tự hỏi, bây giờ họ đang sống thế nào?
Hajime cũng là con một. Cả thời thơ ấu cậu chỉ có một người bạn thân là cô bé Shimamoto-san, một đứa trẻ con một khác. Những chiều hai đứa trẻ ngồi trên sofa phòng khách và nghe những chiếc đĩa của Nat King Cole, mơ về “phía nam biên giới” là những kí ức đẹp nhất mà Hajime có được. Đến tận rất lâu sau này, Shimamoto-san vẫn là người duy nhất thấu hiểu cậu.
Bóng ma từ quá khứ
Hajime trưởng thành và chật vật trong sa mạc đời mình. “Chuyện đó giống như là sa mạc ấy: mỗi người phải quen với nó theo cách của mình.” Izumi, người bạn gái từng bị Hajime làm tổn thương đã bị sa mạc ấy chôn vùi, trở thành một bóng ma không cảm xúc khiến bọn trẻ con nhìn thấy là phát khóc. Hajime may mắn hơn, anh gặp được vợ mình là Yukiko, anh có gia đình, sự nghiệp, nhưng vẫn luôn cảm thấy có gì đó “không đủ”, thấy sa mạc vẫn quá khô cằn và hoang hoải. Anh thèm khát một cơn mưa, mà cơn mưa duy nhất có thể lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn anh chỉ có thể là Shimamoto-san.
Shimamoto-san luôn xuất hiện cùng với những cơn mưa, những cơn mưa nhòe nhoẹt và hư ảo. Nàng có thể là một người bạn tâm giao thuở nhỏ đột ngột ghé đến với Hajime vào độ tuổi 30, hoặc nàng chỉ là một ảo ảnh từ quá khứ mà Hajime bám víu vào trong những ngày vô định. Ai cũng thấy mình hoang mang, chấp chới giữa ước vọng, lý tưởng và thực tại, nhưng trong khi Yukiko đã chọn cách hướng về phía trước để vứt bỏ những gì không hay đã qua, thì Hajime lại lao đầu trở về quá khứ, tìm kiếm một bình yên hư ảo. Shimamoto-san luôn là người hiểu Hajime nhất, khiến anh luôn thoải mái khi ở bên, đơn giản vì Shimamoto-san chính là Hajime, là hiện thân cho hi vọng, lý tưởng, nỗi sợ và nỗi ám ảnh của chính anh.
Nhưng cuối cùng, Yukiko đã kéo anh về với hiện tại, bằng một cái đặt tay lên vai.
“Trời mưa không tiếng động trên đại dương rộng lớn, mà không ai biết cả. Những giọt nước đập lên mặt nước im lặng, và ngay cả những con cá cũng không có chút ý thức nào về điều đó.”
Lúc này, cơn mưa đã không còn có thể tác động gì đến tâm hồn Hajime nữa, Shimamoto-san đã lùi xa, quá khứ đã phai mờ, và từ nay anh và Yukiko sẽ cùng nhau xây dựng một tương lai khác.
Ngoài cơn mưa, hình ảnh Shimamoto-san còn gắn liền với màu xanh. Màu xanh của những chiếc áo nàng mặc, một màu xanh hoàn mĩ khiến người ta mê đắm.
“Một đường thẳng màu xanh xuất hiện ở một góc trời… Nhưng, khi mặt trời xuất hiện phía trên đường chân trời, màu xanh bị ánh sáng bình thường của ngày nuốt mất.”
Dấu vết cuối cùng của người bạn thời ấu, của nỗi ám ảnh bồng bột tuổi trẻ dần tan biến đi, để một ngày mai đường hoàng bắt đầu. Một ngày mai phủ trong ánh sáng, khi người ta thôi ngoảnh về phía sau và biết trân trọng người đang bên cạnh mình.
Phía nam biên giới, phía tây mặt trời
Khi Shimamoto-san biến mất sau đêm ở Hakone, mình (với sự nhạy cảm của một người đọc Murakami) đã nghĩ đến việc tìm thấy một xác chết treo cổ trong rừng hay đại loại vậy. Có lẽ Hajime cũng có cùng suy nghĩ đó, anh tìm kiếm thông tin các vụ tự tử trong vùng, nhưng không có trường hợp nào như vậy. Đến đây thì mình thực sự tin rằng Shimamoto-san ngay từ đầu vốn không hề tồn tại. Chiếc phong bì trong ngăn bàn của Hajime biến mất một cách kì lạ cũng dẫn dắt người ta đến ý tưởng về một giấc mơ không thực.
“Phía nam biên giới” là tên một bài hát của Nat King Cole mà Hajime và Shimamoto-san thường cùng nhau nghe khi 12 tuổi. Hai đứa trẻ mơ tưởng đó là một cái gì “rất đẹp, rất lớn, rất dịu dàng... một cái gì tuyệt diệu”. Lớn lên, họ mới vỡ lẽ, hóa ra đó chỉ là một bài hát về đất nước Mexico. “Phía nam biên giới” chính là những ảo mộng của tuổi trẻ, những giấc mơ hào nhoáng và ngây dại. Trên thực tế, Nat King Cole không hề có một ca khúc nào tên là “Phía nam biên giới”. Điều này càng khiến người ta hồ nghi về hồi ức của Hajime, và sự tồn tại của Shimamoto-san càng trở nên quá mập mờ.
“Phía tây mặt trời” ám chỉ chứng bệnh của những người nông dân Siberia sống giữa miền cực trái đất khi bốn bề là vô tận, đến khi một cái gì trong họ chết đi, như người mộng du, họ cứ đi mãi đi mãi về phía Tây tìm một đường chân trời không bao giờ thấy. Hajime cũng đang mắc một chứng bệnh tương tự như hysteria siberiana. Anh đi tìm một chân trời ảo vọng giữa cuộc đời trống vắng, một chân trời màu xanh tuyệt đẹp nhưng không có thực, như chính Shimamoto-san.
Comments