“Sài Gòn có ba mùa: Mùa nắng, mùa mưa, và mùa hi vọng.”
- Giấy
- Aug 15, 2021
- 7 min read
Updated: Aug 29, 2021
Sài Gòn trong những bộ phim có nhiều câu chuyện để kể. Thế mà, đường đường là một thành phố với những nhà chọc trời, với tập nập xe cộ, với lấp lánh đèn hoa, nó lại giỏi nhất là kể những chuyện nhọc nhằn lem luốc.
Tui vẫn nghĩ rằng mỗi một thành phố sẽ đặc biệt mặn mà khi gắn với một chủ đề nào đó. Trong những bộ phim ấy, thành phố không chỉ là bối cảnh, là nơi chốn cho câu chuyện xảy ra, thành phố còn là người kể chuyện, còn hóa thân vào câu chuyện, với tất cả những chân thực và cảm tình mà sẽ thật lạc lõng nếu đem câu chuyện ấy đi đặt ở một nơi khác.
Hà Nội dường như sâu lắng nhất trong mỗi lần kể về những dấu tích văn hóa, những nét đẹp nhuần nhị của truyền thống, về những con người đang cố gắng gìn giữ nếp sống và lý tưởng cao đẹp trước đổi thay của thế hệ và thời cuộc.
Trong khi đó, Đà Lạt lại là xứ sở tình yêu. Không chỉ điện ảnh, mà âm nhạc, nhiếp ảnh,… cứ nói chuyện yêu đương là người ta nghĩ đến phố núi. (Chắc mọi người cũng biết, Đà Lạt với cảnh sắc ma mị còn rất xuất sắc với một nhóm chủ đề khác. Nhưng thôi không bàn ở đây. Thôi.)
Sài Gòn thì kể nhiều thứ chuyện. Kể chuyện tình cũng hay, nhưng hay nhất với tui vẫn là chuyện về những thân phận, những cung đời bụi bặm, tất bật để sống, gắng sức mà sống.
Nó kể nhập tâm đến mức như hóa thân vào từng câu chuyện.
Sài Gòn là tay đại ca mặt sẹo
Sài Gòn đôi khi như một gã giang hồ to như hộ pháp, mặt sẹo hằn chất cộc cằn. Lòng gã rộng và sâu, chằng chịt ngõ hẻm, dễ dẫn người ta lạc.
Một anh đạp xích lô chân chất bỗng một ngày xui rủi làm mất xe. Bế tắc với món nợ phải trả cho chủ xe, anh sa chân vào một băng đảng cướp của giết người. Trong “Xích Lô (1995)”, đó không phải là kẻ duy nhất bị lạc. Nam hay nữ, già hay trẻ, khôn hay dại, ai cũng có thể bị những xúc tu vô hình kéo vào những góc khuất tối tăm của cuộc đời. Có người vẫy vùng, giằng co để thoát, có người không.

Xích Lô (1995)
Có người như con mèo sau nhiều hôm lang bạt trở về và may mắn “còn đẹp hơn trước lúc đi lạc”, có người không.
Đến những đứa trẻ lang thang đầu đường xó chợ như trong “Ròm (2019)”, có ngõ ngách nào mà chưa từng qua, ấy vậy mà vẫn lạc. Chẳng biết phải đi về đâu, lối thoát chỗ nào, chỉ biết là phải chạy, cắm đầu mà chạy. Chẳng biết ngày mai sẽ thế nào, chỉ biết hôm nay đúng 16:50, phải giành giật nhau giao từng tờ vé dò mà tìm đường sống.

Ròm (2019)
Ít nhất, Ròm có một cái đích mà nó muốn đến, nó muốn tìm lại cha mẹ. Nhưng đường đến đó lại quá sức trắc trở, mỗi bước lại như nhấn người ta lạc sâu hơn, và có khi chẳng bao giờ thấy được nơi muốn đến.
Những người lao động chìm trong cơn mê đề đóm cũng không ngoại lệ. Cái nghèo, cái mê lú của bạc đề, cái bẫy có hệ thống của nhà cái và những tay cho vay nặng lãi tạo thành một ma trận giam cầm và vắt kiệt người ta. Không phải chỉ cần quay đầu là sẽ thấy bờ.
Người ta bảo Sài Gòn dễ sống. Nào có. Sài Gòn có bao giờ dâng tận miệng ai cái gì. Ai muốn thứ gì thì đánh vật mà giành lấy.
Đánh vật với gã hộ pháp để không bị nuốt gọn vào những mê cung thẳm tối trong lòng gã.
Sài Gòn là một ả mộng mơ
Ừa. Vậy đó. Sài Gòn đa nhân cách vậy đó. Và mâu thuẫn nữa.
Không ruộng đồng thanh bình, không dấu tích cổ kính, Sài Gòn thơ một cách bụi bặm.

Ba mùa (1999)
Trong “Ba mùa (1999)”, ả bụi bặm trong những ngày nắng chói chang trên con phố xô bồ Tây Ta giàu nghèo. Những người đạp xích lô nằm trông khách bên ngoài những khách sạn sang trọng. Bụi bặm trong những đêm oi ả, anh xích lô chở cô gái làng chơi về xóm trọ nghèo, nghe cô tâm sự về mơ ước “một đêm được ngủ trong phòng máy lạnh”, về khát vọng dấn thân vào cái thế giới của người giàu, những người mà “mặt trời mọc cho họ chứ có phải cho mình đâu anh”. Bụi bặm trong những đêm mưa tầm tã, thằng bé bán hàng rong lếch thếch đi tìm lại hộp đồ bị lấy trộm của nó.
Nhưng cũng rất thơ. Thơ trong cái tình mà anh xích lô dành cho cô gái làng chơi. Thơ trong cái ngả đầu của đứa bé lang thang trên vai của một đứa bé khác. Thơ trong những nhành hoa sen trắng ngần len vào dòng người xe thị thành, nhắc người ta về những thuần khiết ngay giữa những bon chen, về tâm an yên giữa đời biến động, về niềm hi vọng trong thời khắc tuyệt vọng.
Sài Gòn trong “Song lang (2018)” thì được tráng màu hoài niệm với những giai điệu cải lương gắn liền với đời sống tinh thần của người Sài Gòn xưa. Cũng may là nghệ thuật còn hiện hữu, để thi thoảng người ta có thể đặt gánh lo toan xuống mà mượn nó để cười khóc, để giãi bày, để giữ cho đời mình còn đi theo nhịp điệu, đi theo đường ngay lối thẳng.

Song lang (2018)
Vậy mà muốn sống đời nghệ sĩ có dễ gì cho cam. Dũng nói cái nghề đòi nợ của gã nhìn sao thì nó là vậy, chứ không như nghệ sĩ, trên sân khấu thì trung hiếu tiết nghĩa, ngoài đời thì…
Thì phải ráng.
Dường như Sài Gòn không phải là miền đất thơ sinh ra những nghệ sĩ. Mà giữa những bầy hầy cuộc đời người ta chọn sống như một nghệ sĩ. Chọn giữ cho mình một tâm hồn với nhiều mê say và một trái tim không chai sần vô cảm.
Sài Gòn là cha hàng xóm bao đồng
Người tứ xứ mới tới Sài Gòn còn e dè tay đại ca mặt sẹo hay thấy xa cách ả nghệ sĩ mơ màng? Khỏi lo. Cái bộ dạng thường thấy nhất của Sài Gòn là một cha hàng xóm áo xống xộc xệch, gấu quần còn ướt vì mới lội nước trong con hẻm ngập ngụa mỗi bận nước lên, miệng ngoài những lúc chửi thề vu vơ thì chỉ cười hề hề nham nhở. Người ta nói chả lo chuyện bao đồng. Ai cần gì giúp nấy, không cần cũng thấy lăng xăng.

Bố già (2021)
Nhiều khi lãng nhách, nhiều khi vô lí, giống ông ba trong “Bố già (2021)”. Cực nhọc cũng vì lỡ nặng lòng với chuyện của người ta. Biết là anh em không phải ai cũng hết lòng vì mình như mình vì họ, nhưng mà trời ban cho cái tánh vậy rồi, làm ngơ hổng đặng. Biết thân mình cũng không sướng hơn ai, nhưng người quen cũng như người dưng, nhín được chút gì là cho, là giúp.
Giống ông Phát trong “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa (2017)”, là chủ nhà trọ mà coi thằng nhỏ thuê nhà không khác gì con ruột. Để đêm hôm chưa thấy nó về sốt ruột xách xe đi tìm. Để tức tưởi tìm công bằng cho nó mà dấn thân vào một cuộc ân oán ba chục năm vẫn chưa nguôi ngoai. Giống anh Được cắt tóc và cô Diễm “bán hoa” cứ âm thầm đỡ đần bà Tư côi cút cũng ngần đó năm trời.

Có căn nhà nằm nghe nắng mưa (2017)
Có nhờ những yêu thương bao đồng đó mà Sài Gòn mới đón được bao nhiêu lớp người tới sống, chật vật sống, đôn đáo sống, nhưng mà sống được, sống như nhà mình được. Rồi họ lại tiếp tục trở thành một phần của Sài Gòn, tiếp tục niềm nở thương lấy kẻ đến sau.
Sài Gòn là bà má lâm bệnh
Có ruột rà máu mủ chi đâu, gặp thấy bả hiền lành lui cui như má mình ở nhà, thì gọi má cho đỡ cảm giác bơ vơ rồi đùm bọc nhau sống.
Rồi bà má bỗng u sầu trong “Bệnh (2021)”, phim này là tui tự nghĩ ra chứ chưa có ai quay hết trơn. Xưa nay bả tháo vát khỏe mạnh lắm mà lần này bệnh dai dữ thần. Rồi, người ta buộc phải tạm biệt bà má nuôi mà về với má ruột. Người ta rời Sài Gòn đi theo nhiều ngả, bằng mọi phương tiện có thể, tàu lửa, xe máy, xe đạp, đi bộ cũng phải đi. Thanh niên, người già, trẻ con, bà bầu,… bồng bế nhau trên những chiếc xe đầy nhóc đồ đạc.
Thiệt buồn, vì Sài Gòn không còn bảo vệ, cưu mang, chở che họ được nữa.
Thôi thì người đi hay ở lại, cũng phải ráng mạnh giỏi. Phải mạnh giỏi để tới ngày bà má bả lành, bả lại đón bạn về với phố xá xô bồ, với đèn hoa chen chúc, với đối đãi chân tình.
Và trở về làm người kể chuyện
Sài Gòn đón người từ nhiều nơi tới, thấy nhiều điều, nghe nhiều chuyện, nên chắc vậy mà kể chuyện đời hay và mang nhiều sắc thái. Kể với hết thảy chân thực nhưng cũng thiệt nhiều cảm thông.
Bên hông những tòa nhà chọc trời, đằng sau màn bụi và khói xe, là câu chuyện nối dài không dứt về những con người với khát vọng mưu sinh mạnh mẽ, hào hoa nghệ sĩ, cởi mở thiện lương, và không ngừng hy vọng.
댓글