top of page
  • Black Facebook Icon
  • Black Instagram Icon

Sài Gòn tiếng thương

  • Writer: Giấy
    Giấy
  • Jul 14, 2018
  • 4 min read


Ảnh: @greall55

“Nếu sau này lỡ xa Sài Gòn, nhớ gì nhất?”


Mình hay kể cho bạn nghe về Hà Nội. Đối với lũ trẻ miền Nam bọn mình mà nói, “ra thăm thủ đô” là điều gì đó nghe khá đặc biệt. Và trong lúc mình còn đang luyên thuyên, bạn hỏi mình như vậy. Mình định nói, nhớ bạn, nhưng thôi.


Chứ còn gì nữa nhỉ? Sài Gòn có nhà thờ Đức Bà, Hà Nội có nhà thờ Lớn. Sài Gòn có hồ Con Rùa, Hà Nội có hồ Gươm. Sài Gòn có Bitexco, Hà Nội có Keangnam. Tính ra cũng đâu thiếu gì, Hà Nội chỉ không có bạn thôi.


Ảnh: @greall55


Thế rồi một ngày giữa Sài Gòn cũng không tìm thấy bạn nữa, mình bướng bỉnh tin rằng, giờ thì ở đâu cũng vậy mà thôi. Mình đến Hà Nội, tự để mình lạc trong những con phố xa lạ, xuýt xoa trong cái rét gió mùa mà Sài Gòn chẳng bao giờ biết tới, thích thú trước những món ăn, những cảnh vật mới lạ. Mình không sợ.


Sài Gòn, còn có gì để mà nhớ?


Rồi một sớm mình thức dậy, trong một căn gác khu phố cổ, biếng lười nằm trong chăn nghe phố xá chuyển mình. Chợt thấy xa lạ như một giấc mơ. Những thanh âm cựa quậy của buổi sáng trượt hờ hững qua màng nhĩ, như chưa từng biết quen nhau. Hoang mang quá, ngồi bật dậy lay thức mấy giác quan uể oải hẳn còn đang ngái ngủ. Tiếng bà mẹ nào đó nhà bên gọi con dậy đi học, tiếng nhạc buổi sáng từ chiếc loa phường đầu ngõ, tiếng bà mẹ gọi con sau đó to hơn, tiếng rì rầm mua bán của khu chợ tự họp bên dưới. À, ra chỉ là chưa quen với giọng Hà Nội ấy thôi. Mới đi xa Sài Gòn có một lóng tay (nếu tính theo tỉ lệ cái quả địa cầu vẫn trưng trên bàn học) mà cứ như ra nước ngoài không bằng.


Mình ra đường, vẫy một chiếc taxi trong vô số hãng taxi trên đường phố thủ đô. Người tài xế hỏi lại địa chỉ do chưa nghe rõ câu nói đặc sệt giọng miền Nam mình sơ ý chưa Hà-Nội-sub lại. Tiếng radio trên xe, đến cả những bảng hiệu chạy qua bên ngoài dường như cũng biết nói, bằng một thứ tiếng vừa quen vừa lạ. Mình vào một quán café, order bằng một câu giọng Bắc đã lẩm nhẩm “luyện” trên đường đi. Đám thanh niên bàn bên đang tán chuyện rôm rả. Tự nhiên thấy ghen tị quá, dù vô lý hết sức. Ghen tị vì sao bọn họ có thể nói chuyện với nhau thoải mái như vậy. Ghen tị vì thấy mình như cá thể nói tiếng Nam duy nhất trong cái thành phố hơn 7 triệu người này.


Lững thững đi bộ ngoài phố, lắc đầu với cả chục lời mời của mấy bác xe ôm, chỉ để đợi xem có ai lại hỏi:


“Xe ôm hông con?”


Nhưng không có ai cả, thế nên vẫn cứ bước hoài. Hay giả dụ giờ có đôi quang gánh quen thuộc nào đi ngang trổ cái giọng ngọt lịm:


“Tàu hủ hông connn?”


Trời, chắc lúc đó ngồi lại mà ăn bằng mấy chén mới thôi. Ăn cho đỡ nhớ, dù những thức ấy ngoài này không thiếu, vậy mà vẫn nhớ.


Ảnh: @ronieiv


Lại còn mạnh miệng Sài Gòn không có gì để nhớ nữa đi?


Nhớ giọng Sài Gòn muốn khóc. Mà giọng Sài Gòn, nghe như thế nào nhỉ? Nào giờ cũng đã định nghĩa được đâu.


Giọng Sài Gòn, gặp nơi những lời mời tiếng chào ngọt như mía từ những gánh hàng rong bên đường. Gặp ở mấy câu trong bài bolero nào đó bà thím hàng xóm cứ nhai đi nhai lại bằng màn karaoke. Gặp trong một ngày vào giảng đường, nghe xung quanh mấy mươi đứa bạn là mấy mươi giọng điệu khác nhau từ mọi miền… Gặp ở những ông Tây bà Tây cao to xì xồ tiếng Anh tản bộ trong những công viên gần trung tâm thành phố. Gặp ở khu quận 5 – chợ Lớn có những quán mì ngon mà ông chủ nói tiếng Hoa nghe ngồ ngộ. Gặp trong chợ Bến Thành hay dọc mấy ngả đường quận Phú Nhuận, thi thoảng thấy những người Mã Lai đầu trùm khăn quấn. Gặp ở mấy hàng cà ri của người Ấn. Gặp trong khu chợ Bà Hoa, nơi người Trung người Quảng thấy như đang ở quê mình. Gặp trong tiếng rao tàu hũ của cô bán hàng người Chàm có đôi mắt nâu…


Ảnh: @greall55


Tất cả đều là giọng Sài Gòn. Người ta mang ở đâu đến, Sài Gòn cũng đều đón nhận và yêu quý. Trời ơi sao mà dễ dãi quá, dễ dãi đến đáng yêu.


Ra là nhớ cái bao dung của Sài Gòn.


Nhấc máy gọi điện về cho đứa bạn.


“Ê mày, nói gì cho tao nghe đi.”


“Khùng hả màiiii?”


“Ừa ừa, đúng rồi, nói tiếp đi.”


21/02/2017


Comments


Không bỏ lỡ bài viết mới

bottom of page