“Khi ta mơ quá lâu”: Cuộc hoang mang của những người trẻ đô thị
- Giấy
- Aug 1, 2018
- 3 min read
Bối cảnh truyện là một đô thị Singapore năm 1965, hay cũng có thể là bất kì một đô thị nào đang trên đà phát triển, với những con người luôn luôn tất bật mà không biết vì điều gì.

Ta đang làm gì ở đây?
‘’Bọn mình ra sân khấu quá trễ, tới thế hệ mình, mọi chuyện đã xong béng rồi. Giờ chả ai cần chúng ta.’’
Những người như Kwang Meng (đọc là Quang Minh nghe vẫn gần gũi hơn nhỉ ?) là một thế hệ bình thường trong một xã hội bình thường. Họ không được gán cho một sứ mệnh vĩ đại nào khi sinh ra, nhiệm vụ của họ chỉ là sống cho qua đời mình. Kwang Meng vật vờ lặp đi lặp lại chuỗi ngày sáng đến công sở, chiều chen chúc trên xe về nhà, tối đến quán rượu gột rửa đi những bức bối ban ngày. Cái ý nghĩ rằng mình sẽ là một thư kí quèn cho đến cuối đời khiến anh não nề hơn bất cứ điều gì.
Trong Fight Club, một bộ phim dành cho những người trẻ bế tắc khao khát tự do cũng có một câu thế này :
‘’Chúng ta là những đứa trẻ đứng giữa lịch sử, không mục đích và nơi chốn. Chúng ta không có Cuộc chiến Vĩ đại, không có sự phiền muộn to lớn. Cuộc chiến Vĩ đại của chúng ta thuộc về tinh thần. Sự phiền muộn to lớn của ta là cuộc sống của ta. Chúng ta đều được giáo dục trên TV rằng ngày nào đó chúng ta sẽ là triệu phú, siêu sao điện ảnh và ngôi sao nhạc rock. Nhưng không đâu, chúng ta từ từ học được sự thật, và chúng ta rất, rất tức giận…’’
Mỗi thế hệ đều mang những gánh nặng của riêng mình. Nếu thế hệ trước phải đương đầu với chiến tranh, đói kém, thì thế hệ trong thời đại này, ngay thời đại này, lại đang chật vật với nỗi sợ sống một đời tầm thường. Động lực đâu mà sống khi ta không biết mình đang gồng gánh tất cả những thứ này là vì cái gì ? Kwang Meng luôn cho rằng đời mình thật vô nghĩa, đôi lần anh mơ đến một cuộc đời khác, làm một thủy thủ chẳng hạn, ngao du giữa biển trời vô tận. Nhưng giấc mơ ấy anh chỉ nhẹ nhàng cất vào một góc lơ đãng trong tâm hồn, để rồi lang thang giữa thực và mơ, không rõ mình là người hay bướm*
Họ dạy làm chi về những Đảo giấu vàng, khơi ra làm chi những cuộc phiêu lưu, rồi đẩy người ta vào một guồng xoay thực tế bế tắc, chán chường.
Dù muốn hay không, đã đến lúc thức dậy
Cuối cùng thì hiện thực cũng thò bàn tay túm lấy kẻ mơ mộng mà kéo hắn chạm đất. Cuối cùng, ta vẫn phải đưa ra lựa chọn giữa điều-mình-muốn-làm và điều-mình-nên-làm. Nỗi lo cho cuộc sống của gia đình đã làm lu mờ đi nỗi băn khoăn về bản ngã cuộc đời trong Kwang Meng. Dù có sống một đời bình thường thì cũng phải sống, cố kiết mà sống. Nên như vậy.
‘’Dẫu làm gì, cũng phải cố gắng làm thật tốt.‘’
‘’Kể cả khi chuyện ta đang làm là vô nghĩa?’’
‘’Chẳng có gì là vô nghĩa.’’
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(*) Tích Trang Chu mộng hồ điệp
Comments