"Đèn không hắt bóng": Naoe có tàn nhẫn không?
- Giấy
- Jul 14, 2018
- 3 min read
Updated: Aug 1, 2018

Câu chuyện về một người bác sĩ đơn độc và xa lạ giữa cuộc đời, như ngọn đèn sắc lạnh không hắt bóng trong phòng phẫu thuật lặng thinh.
Naoe là một người tàn nhẫn hay thật ra quá nhân hậu? Ông không vụ lợi tha hóa như bác sĩ trưởng, cũng chẳng ngây thơ cương trực như bác sĩ thực tập Kobasi. Lòng nhân hậu của ông điềm tĩnh và lạnh lùng, lòng nhân hậu của một thầy thuốc hiểu rõ sự vuốt ve của tử thần, hiểu rõ những nhu nhược, nhỏ nhen và xấu xa của lòng người.
Người thầy thuốc sẽ làm gì với những bệnh nhân vô phương cứu chữa nhưng vẫn tha thiết được sống? Làm tất cả những gì có thể làm, hay chính xác hơn, theo lời Naoe, là khiến bệnh nhân và người nhà tin rằng, các bác sĩ đã làm tất cả những gì có thể làm. Ngay cả khi đó là một cuộc phẫu thuật “giả”, chẳng có tác dụng gì đối với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. Nhưng ít nhất thì nó làm cho ông lão đáng thương tin rằng mình sắp được chữa khỏi, sắp được về nhà ăn tết, sắp được xách cần đi câu như ngày còn khỏe mạnh. Đó là liều thuốc tinh thần cuối cùng mà họ có thể làm được cho ông.
Người thầy thuốc sẽ làm gì khi không còn máu để truyền cho một bệnh nhân duy trì sự sống nhờ máu? (Chuyện tiền trợ cấp lại là một vấn đề khác, thuộc về xã hội nhiều hơn) Họ cho truyền glucoza nhuộm đỏ, an ủi bệnh nhân và người nhà rằng máu vẫn đang được truyền, bệnh viện vẫn đang hết lòng cứu chữa. Một sự giả dối không thể chối cãi. Nhưng suy cho cùng, sự giả dối này chẳng có tội tình. Nếu họ truyền thứ máu giả vô thưởng vô phạt ấy, ông cụ đến giới hạn rồi sẽ chết vì thiếu máu. Nhưng nếu họ không truyền gì cả, ông cụ cứ nằm đấy chờ tử thần gọi tên, còn người vợ sẽ đứng nhìn chồng mình chết dần trong bất lực và dằn vặt, vì không có tiền mua máu cho ông.
Đối với những tình huống mà mọi sự chẳng thể nào tốt được, họ đã giải quyết theo cách khả quan nhất có thể. Nhưng đôi khi, họ vẫn không thoát khỏi cảm giác tội lỗi vì đã lừa dối bệnh nhân. Chẳng hạn như sau khi ông lão thiếu máu qua đời, người vợ già khắc khổ vẫn vội tranh thủ đi mua mấy thứ trái cây lỉnh kỉnh cảm ơn các bác sĩ:
– Các vị truyền cho bao nhiêu là máu! Các vị đã hết sức hết lòng…
Vấn đề y đức trong câu chuyện mở ra dưới nhiều khía cạnh, nhiều quan điểm, tạo thành những mâu thuẫn làm người ta ngẫm nghĩ nhiều.
Một phần nhỏ khác ám ảnh cá nhân người viết bài này là nhân vật Noriko Simura. Trên trục thời gian kéo dài từ đầu đến cuối truyện, lúc nào người ta cũng thấy cô chờ đợi Naoe.
– Anh sẽ còn trở về chứ?
– Chắc không lâu.
– Em sẽ đợi anh nhé?
– …
– Anh về nhanh nhé!
– Được.
Cô không mong cầu Naoe mở lòng ra với mình, nhưng chỉ cần người ấy gọi là cô bỏ hết tất cả mà chạy đến. Người ấy nói đúng là đúng, người ấy nói sai là sai. Trên đời này thực sự tồn tại một sự nhẫn nại phi thường đến vậy? Cho đến tận câu chữ cuối cùng của cuốn tiểu thuyết dày:
“Đứng im trong vùng ánh sáng rực rỡ của ngọn đèn không hắt bóng, Noriko kiên nhẫn chờ đợi Naoe.”
Dù biết người sẽ chẳng bao giờ trở về nữa.
Comments